Mai vàng là một biểu tượng truyền thống của Tết Nguyên đán, tượng trưng cho sự tươi mới, may mắn và thịnh vượng. Tuy nhiên, sau khi Tết kết thúc, chậu mai đẹp của bạn cần được chăm sóc đúng cách để đảm bảo cây có thể phát triển mạnh mẽ và đưa ra hoa đẹp cho mùa Tết năm sau. Vậy bạn đã biết cách chăm sóc mai sau Tết đúng cách chưa? Hãy để chúng tôi chia sẻ với bạn những bí kíp quan trọng để bạn có thể nuôi dưỡng cây mai vàng thành công.
1. Cách tỉa mai sau khi chơi Tết
Tỉa cành mai sau Tết là một bước vô cùng quan trọng, giúp tái tạo tán lá cho cây. Những chồi non sẽ mọc lên thành cành mới, mang theo chồi ở nách lá để phát triển thành cành mới hoặc nụ. Bên cạnh đó, các cành không được tỉa sẽ dễ bị nấm và sâu bệnh hơn những cành được tỉa.
Tỉa mai vàng sau Tết cần được thực hiện từ sớm, khoảng độ trước ngày 15 và trễ nhất là ngày 20 tháng Giêng. Tùy thuộc vào kích thước, dáng cây và sở thích mà bạn có thể chọn cách cắt tỉa sao cho phù hợp. Ngoài ra bạn cũng nên chú ý cắt tỉa đều hết các cành và tỉa gần thân cây để kích thích sự phát triển của cây mai vàng sau Tết. Thông thường, bạn sẽ cắt bỏ khoảng 1/3 cành mai.
Để thực hiện công việc dễ dàng hơn và tránh những tổn thương không cần thiết cho cây, bạn nên sử dụng kéo chuyên cắt tỉa cành. Nếu trong quá trình tỉa cây bị nhiều vết cắt lớn thì bạn nên dùng keo liền da để vết cắt mau lành và phòng ngừa các tác nhân bên ngoài xâm nhập và gây hại cho cây.
>> Mời bạn xem thêm bài viết : Tổng hợp những cây mai khủng bến tre đẹp nhất Việt Nam
2. Chăm sóc mai vàng trong chậu sau Tết
Sau khi cắt tỉa, cây mai vàng cần được vệ sinh và phục hồi:
Sau khi cắt tỉa gọn gàng các cành của cây mai trồng trong chậu, việc tiếp theo cần làm là vệ sinh sạch sẽ để phục hồi cho cây. Cách làm phổ biến nhất là lấy 1 thìa cà phê phân Ure pha với 10 lít nước rồi phun lên cây và tưới đều quanh gốc. Nếu cây hồi sức và bắt đầu ra chồi non thì bạn không cần sử dụng thuốc kích thích chồi lá, và ngược lại, phun thêm thuốc nếu cây không có dấu hiệu phát triển.
Khi cây đã hồi phục lại thì bạn nên đưa cây ra nắng để cây thích nghi dần với môi trường và tiếp tục phát triển. Mai vàng trồng chậu thường được chưng và trang trí phòng khách Tết, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời nên cây không thể quang hợp nhiều. Sau khi chơi Tết, bạn nên đưa cây ra ngoài không gian thoáng mát và có bóng râm để mai dần thích ứng với nhiệt độ. Sau đó bạn mới đặt cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời nhưng tránh những nơi ánh nắng quá gay gắt.
Phòng ngừa sâu bệnh:
Mùa xuân nắng ấm là mùa rất nhiều loại sâu bệnh phát triển, vì vậy bạn cần đặc biệt chú ý phòng ngừa và bảo vệ cây. Khi đưa cây ra môi trường có đầy đủ nắng và không khí, mai vàng sẽ đâm nhiều chồi non và bắt đầu mọc lá. Đây là thời điểm nhạy cảm khi cây có nhiều lá non và thời tiết nắng ẩm khiến sâu bệnh, đặc biệt là bọ trĩ, rất dễ xâm nhập và gây hại cho cây.
Để phòng ngừa sâu bệnh, bạn có thể pha hỗn hợp thuốc có 2 hoạt chất là Hexaconazole (Anvil) và Fipronil (Regent) để phun lần đầu cho cây sau khi cắt tỉa cành khoảng 10 ngày. Sau đó bạn phun lần 2 khi cây vừa nảy chồi và lần cuối lúc lá cây vừa già.
3. Thay đất
Bạn không nên bỏ qua công đoạn thay đất trong quy trình chăm sóc mai vàng sau Tết vì sau một năm sinh trưởng và phát triển, cây cần được thay đổi đất mới để bổ sung hàm lượng đạm và Kali.
Quy trình thay đất cho cây mai trồng trong chậu mà bạn có thể tham khảo:
Dùng 2 tay nâng và bốc cây ra khỏi chậu, loại bỏ lớp đất cũ xung quanh một cách nhẹ nhàng để không làm đứt rễ cây.
Lấy kéo cắt bớt rễ già và rễ bị nấm bệnh, chú ý không làm tổn thương rễ cám của cây.
Chuẩn bị sẵn chậu mới và đất mới cho cây.
Cho một lượng đất vào khoảng 2/3 chậu. Sau đó đặt cây vào giữa chậu. Một tay giữ cố định cây, một tay cho thêm đất vào đầy chậy cây.
Phủ một lớp sỏi hoặc đất nung Sfarm lên trên lớp đất bề mặt nhằm giúp giữ ẩm, hạn chế côn trùng và cỏ dại.
Sau khi thay đất thì bạn nên đặt cây ở nơi bóng râm thoáng mát 1 - 2 ngày rồi mới đưa cây ra nắng để mai vàng tiếp tục phát triển.
Lưu ý: Sau khi thay đất, bạn không được bón thêm phân hóa học vì bộ rễ lúc này chưa thể hấp thụ được mà ngược lại nếu cây sốc phân còn có thể bị hỏng cả bộ rễ.
4. Chăm sóc mai vàng trồng ở ngoài sau Tết
Vệ sinh cây:
Đối với mai vàng trồng ở vườn, sau khi cắt tỉa gọn gàng các cành, công việc tiếp theo cần làm đó là vệ sinh cho cây. Bạn tiến hành vệ sinh cây bằng cách dùng vòi nước phun mạnh vào cây để làm bong hết những lớp rong rêu nấm mốc. Nếu thấy cây vẫn chưa sạch, bạn có thể dùng bàn chải chà mạnh đánh bật nấm mốc ra.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể vệ sinh cây mai trồng ngoài đất bằng cách dùng phân Ure pha đặc phun mạnh vào những chỗ nhiều nấm mốc trên cây. Tuy nhiên, bạn nên dùng túi nilon để bọc lại gốc và tuyệt đối không được để phân Ure chảy xuống gốc cây.
Cung cấp dinh dưỡng cho cây:
Bón phân cho cây mai vàng sau Tết cần tránh lạm dụng quá nhiều thuốc và chất hóa học vì sẽ làm cây bị dư chất dinh dưỡng, kích thích gây ra sự biến đổi chu kỳ của cây. Bạn nên sử dụng phân bón vô cơ hoặc phân bón lót vì chúng đã đủ cho cây phát triển trong đầu mùa mưa.
Phòng ngừa sâu hại:
Những loại sâu bệnh thường gặp ở mai vàng sau Tết gồm có sâu ăn lá, sâu đục thân, nhện đỏ, rệp mềm ở đọt non và bọ trĩ. Đặc biệt, sâu bệnh và côn trùng gây hại tấn công rất mạnh mẽ vào giai đoạn cây trổ nụ hoa.
Bạn có thể loại bỏ sâu hại bằng cách dùng tay bắt thủ công từng con một. Với rầy mềm mật độ thấp bạn có thể lấy vòi xịt nước phun vào mặt dưới của lá. Khi cây bị rầy mật độ cao bạn có thể dùng dung dịch tỏi ứng gừng phun phòng ngừa cho cây.
Cách chăm sóc mai vàng từng tháng theo lịch
Chăm sóc mai vàng tháng 1 - tháng 2:
Đây là giai đoạn đầu trong 6 tháng phục hồi và sinh trưởng của cây nên bạn phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây khỏe mạnh, làm tiền đề cho sự phát triển thuận lợi về sau. Giai đoạn này mai vàng cần nhiều đạm để tái tạo các cành và nhánh mới. Bạn có thể tưới phân NPK 30-10-10 với một ít phân dynamic và lân.
Chăm sóc mai vàng tháng 3 - tháng 4:
Vào tháng 3 là bắt đầu mùa mưa, mai bung tược rất nhanh và rễ non cũng phát triển mạnh. Bạn cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây ngay từ đầu tháng 3 với các loại phân hữu cơ như phân cá, phân hữu cơ sinh học,... Kết hợp với phân hóa học có hàm lượng đạm cao. Nếu bạn muốn bón phân vô cơ thì có thể bón chậm hơn đến khoảng sau ngày 20 tháng 3.
Tháng 4 là lúc thời tiết bắt đầu có sự biến chuyển thất thường. Giai đoạn này nấm hồng cũng phát triển rất mạnh. Cho nên bạn cần cắt tỉa những cành có dấu hiệu nấm bệnh và phun thuốc ngừa cho cây.
Chăm sóc mai vàng tháng 5 - tháng 6:
Vào tháng 5, tháng 6, mai vàng tích lũy dinh dưỡng để phát triển mạnh. Đây là giai đoạn tốt nhất để bạn tạo dáng cho cây. Bạn nên chú ý bấm đọt ngay những cành không muốn nuôi dài để cây tập trung dinh dưỡng nuôi chồi khác, tránh để cành cây dài ra mới cắt sẽ khiến cây bị mất sức.
Một số nụ hoa bắt đầu hình thành từ tháng 6 m lịch. Nếu bạn muốn chồi nách ra nụ hoa thì nên giảm dùng phân đạm và chỉ giữ lại để cân bằng dinh dưỡng cho mai. Nếu cây phát triển không cứng cáp lắm thì bạn cũng nên bổ sung thêm phân Kali.
Chăm sóc mai vàng tháng 7 - tháng 8:
Đây là giai đoạn này mai vàng tập trung phát triển nụ hoa đồng thời cũng là mùa mưa dầm. Bạn nên thường xuyên kiểm tra thân, lá và phần đất xung quanh cây có bị rong rêu, nấm mốc hoặc úng đọng nước hay không. Ngoài ra vào mùa mưa sâu bệnh phát triển mạnh, bạn phải thường xuyên kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải phun thuốc phòng ngừa ngay.
Tháng 8 là giai đoạn cao điểm của dịch nhện đỏ, loại côn trùng chuyên tấn công lớp biểu bì của lá gây ảnh hưởng đến quang hợp của cây. Bạn phải giữ cho cây quang hợp tốt để nụ hoa có thể phát triển hoàn thiện. Nếu một phần lá của cây bị rụng đi thì mai vàng có thể trổ một phần hoa khi trời giảm mưa.
>> Xem thêm bài viết tiếp theo : Mai vàng là gì ? Tổng hợp các loại mai vàng việt nam .
Chăm sóc mai vàng tháng 9 - tháng 10:
Đến giai đoạn này thì hầu hết những cây mai vàng đều đã ngừng sinh trưởng và lá bắt đầu già đi. Bạn cần phải giữ được bộ lá của cây xanh cho đến tháng Chạp. Bạn chỉ bón phân NPK với dynamic thật loãng khoảng 2 tuần 1 lần.
Đối với những cây có nụ hoa nhỏ, bạn có thể bón thêm NPK nhiều Kali. Tuy nhiên cần phải thật chú ý liều lượng vì nếu bón và chăm sóc không đúng cách có thể khiến cây ra hoa sớm. Nguyên tắc của giai đoạn này là không dùng phân có hàm lượng đạm cao nhưng nếu lá cây quá ít và quá già thì bạn nên dùng phân bón lá loại 20-20-10 nhằm tạo thêm lá non.
Chăm sóc mai vàng tháng 11 - tháng 12:
Việc chăm sóc của bạn trong giai đoạn này sẽ quyết định chất lượng nụ hoa ngày Tết. Bạn cần phải bón thúc cho mai vàng từ cuối tháng 10 hoặc chậm nhất là đầu tháng 11. Chú ý: chỉ bón thúc bằng phân vô cơ thay vì hữu cơ.
Muốn tăng chất lượng cho hoa bạn nên bón phân lân và Kali. Bạn có thể rắc phân lân trên bề mặt xung quanh mỗi gốc cây với liều lượng khoảng 200g hoặc pha nước tưới gần gốc (không phân hòa tan hoàn toàn). Đối với phân Kali thì bạn nên pha 1 thìa cà phê nhỏ với 5 lít nước và tưới cách 1 tuần quanh gần các gốc mai.
Vào đầu tháng 12, bạn có thể bón thêm một ít phân Úc để cây mai sau khi trổ hoa không mất nhiều sức và hoa ít rụng hơn.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của CareerBuilder, bạn đã phần nào biết được quy trình và các bước chăm sóc mai sau Tết hiệu quả. Chúc tất cả các bạn sẽ có một năm mới nhiều niềm vui và may mắn bên cạnh những nhành mai vàng thật rực rỡ tại nhà mình nhé!